Chuyện lão nông làm giàu

Với khát khao làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cộng với sự cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm đã giúp lão nông Hoàng Việt Cương, 60 tuổi, ở thôn Ngòi, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) xây dựng thành công mô hình trồng chè, chăn nuôi gà, cá, thu lãi 1 tỷ đồng/năm. Ông là gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện, đang tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

“Không cam chịu đói nghèo”

Ông Cương nhấp ngụm chè và hào sảng nói: “Mình sinh ra và lớn lên ở vùng quê cách mạng, nhà có đất đai rộng, có sức khỏe sao chịu nghèo được”. Ông Cương sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã quen với những công việc của nhà nông như cày bừa, cấy hái. Khi mới lập gia đình, ông làm đủ thứ nghề nhưng thu nhập không được là bao. Nhận thấy tiềm năng nhà có đất rộng, ông đã sớm có ý định phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng.


Ông Hoàng Việt Cương thường xuyên kiểm tra, giám sát khâu thu hái chè - yếu tố giúp có nguồn búp chè tươi đạt tiêu chuẩn để chế biến chè khô đạt chất lượng cao.

Sau khi đi tham quan nhiều mô hình làm ăn trong và ngoài tỉnh, năm 2001, ông mạnh dạn vay mượn thêm tiền đầu tư trồng 2 ha chè cành, giống chè Bát Tiên. Quyết định trồng giống chè đặc sản này của ông khi đó bị nhiều người cho là khá “liều lĩnh”, bởi chi phí giống cao hơn với trồng chè hạt, chưa rõ kỹ thuật chăm sóc ra sao? Liệu có đầu ra không? Vốn là người ham học hỏi, ông tìm đọc thêm sách về kỹ thuật trồng chè, tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật về trồng trọt, để áp dụng vào chính vườn chè của gia đình. Nhờ đó, chè phát triển tốt và sớm cho thu hoạch búp.

Tuy nhiên giá chè tươi, chè khô của gia đình không chênh lệch với giống chè địa phương là mấy. Bởi, chè đặc sản chưa có sự khác biệt lớn, bị tư thương ép giá. Chè búp tươi vẫn bị “đánh đồng” với các loại chè khác, kỹ thuật chế biến chè lạc hậu khiến chất lượng chè chưa tạo được sự khác biệt của chè đặc sản. Cùng với đó, ông phát huy lợi thế nhà có ao rộng đầu tư nuôi cá thịt, khu vườn rộng nuôi gà thả vườn. Nguồn thu nhập từ trồng chè, nuôi cá, nuôi gà giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định, từng bước khấm khá hơn, nhưng ông chưa bằng lòng với những thành quả đó.

Nghề cũ với cách làm mới

Ông Cương chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ bất cứ ngành nghề gì, nghề nông cũng vậy, để có của ăn của để phải chăm chỉ, cần cù lao động, có khát khao làm giàu, chủ động tìm hướng đi mới. Không có sự bứt phá, cứ làm nhàng nhàng thì khó khấm khá lên được”. Từ những suy nghĩ tích cực đó, ông đã lặn lội nhiều chuyến sang “nằm vùng” ở khu vực sản xuất chè nổi tiếng Tân Cương (tỉnh Thái Nguyên) để học hỏi nghề chè từ khâu chăm sóc, thu hái, lựa chọn loại máy xao, máy đóng gói và quy trình chế biến để nâng cao chất lượng chè. Đồng thời, tìm kiếm bạn hàng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông đã tài trợ toàn bộ chi phí “mời thầy” là những người có kinh nghiệm trồng chè lâu năm ở Thái Nguyên về ăn, ở tại nhà mình để chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, quy trình sản xuất chè sạch, chế biến đạt tiêu chuẩn của đối tác. Nhờ đó, sản phẩm chè của gia đình ông đã đáp ứng tiêu chuẩn và được chính những đối tác ở vùng Tân Cương bao tiêu. Bởi chất lượng, chè sạch, giữ được ưu điểm vượt trội của chè Bát Tiên là nước trà xanh, hương thơm, cả ba vị đắng, chát, ngọt đều có đủ và hòa quyện đều với nhau một cách vừa phải. Vì vậy, chè dễ uống, tạo sự khác biệt rõ rệt so với các loại chè truyền thống.

Đặc biệt, ông Cương đã học và áp dụng “bí quyết” trồng chè trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, lại tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, chè bán được giá cao. Ông Cương hồ hởi: “Cách làm thông thường là đốn chè vào cuối năm để chuẩn bị cho vụ thu hoạch chè Xuân. Nay mình không đốn chè mà để lại chăm sóc, bón phân hợp lý nên khi đến tháng 3 năm sau là đã được thu hái lứa đầu, sớm hơn 1 tháng so với cách làm truyền thống. Vụ đầu hái “chè lộc” được hái hoàn toàn bằng tay nên chất lượng chè thời điểm này tuyệt hảo nhất, đặc biệt là chè trái vụ nên giá bán cao, dễ tiêu thụ. Giá chè khô đạt 300 nghìn đồng/kg, cao hơn giá bình quân 100 nghìn đồng". Trung bình đợt hái đầu, gia đình ông đã thu về trên 200 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế gấp đôi, gấp ba so với cách làm cũ trước đây.

Năm 2017, ông được Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước tự động cho 1 ha chè trên tổng số 2 ha chè Bát Tiên. Nhờ có máy tưới, phân bón đầy đủ nên chè nhà ông luôn nẩy búp đều, xanh mỡ màng. Hiện nay, đối tác ngành chè khá đa dạng, nên mỗi lứa hái ông chủ động lựa chọn chế biến chè khô hoặc bán chè tươi để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Dẫn chúng tôi tham quan quanh ngôi nhà xây được bao bọc cây bóng mát, cây ăn quả, phía dưới là hệ thống 4 ao đã được xây kè bờ kiên cố tổng diện tích gần 1 mẫu, ông Cương giới thiệu: “Ao không chỉ nuôi cá, còn là nguồn nước dự trữ để tưới cho chè”. Nếu trước đây, nuôi gà thả vườn chỉ tính nuôi “chơi” cả năm mới thu được vài triệu đồng thì gần chục năm nay ông đã quy hoạch lại chuồng nuôi quy mô lớn. Ông lựa chọn con giống và nhận chuyển giao kỹ thuật từ Viện Chăn nuôi Quốc gia phát triển nuôi gà đẻ cung cấp trứng ấp sản xuất con giống. Ông thường xuyên duy trì quy mô từ 1.200 đến 1.500 gà bố, mẹ. Đồng thời, tận dụng tối đa khu vườn rộng, nhiều tán cây nuôi từ 300 - 500 gà trống thiến nuôi thả vườn phục vụ thị trường Tết. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn, chú trọng công tác thú y và chế độ dinh dưỡng nên đàn gà của gia đình ông hạn chế mắc dịch bệnh. Nguồn phân gà được ông tận dụng để bón cho toàn bộ vườn chè của gia đình. Bên cạnh đó, ông còn có nguồn phân thừa bán cho các hộ trồng cây ăn quả mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng.

Ông Phạm Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Bằng vui mừng cho biết, ông Hoàng Việt Cương là tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của huyện. Gia đình ông còn là gia đình hiếu học ở địa phương, quan tâm đầu tư nuôi 2 con ăn học trưởng thành đã được nhiều cấp, ngành khen thưởng. Đặc biệt, ông Cương đã phát huy tính sáng tạo, chủ động, làm ăn quy củ phát triển bền vững. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông còn thường xuyên tạo công việc thời vụ cho hàng chục lao động địa phương. Thời gian qua, ông cũng luôn sẵn sàng đóng góp công, của xây dựng hạ tầng nông thôn, góp phần xây dựng quê hương, cũng như chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với bà con trong thôn, trong xã.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục