Hương vị chè xuân

Chè xuân là lứa chè búp đầu tiên trong năm với vị đậm đà, màu nước xanh, hương thơm mát khiến không chỉ người trồng, chế biến mà những người thích uống trà rất mong đợi.


Người dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) thu hái chè xuân.

Qua theo dõi vụ chè xuân trên địa bàn tỉnh năm nay, thời tiết thuận lợi với độ ẩm, lượng mưa phân bố tương đối đều nên chè nảy lộc đẹp, thời gian thu hoạch sớm. Đi dọc Quốc lộ 37 qua địa bàn Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Yên Sơn), đâu đâu cũng thấy những nương chè bát úp xanh mướt.

Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, riêng mấy tháng đầu năm, 470 ha chè của công ty cho sản lượng 500 tấn chè khô thành phẩm, bằng 1/4 kế hoạch năm. Nếu vào mùa hè, mưa nhiều cây chè phát triển mạnh cho sản lượng lớn. Sang mùa thu vẫn là vụ chính của cây chè. Thời điểm này cây chè rãi nắng, ít mưa hơn nên nước chè có độ đậm nhất. Đầu mùa đông người dân tiếp tục thu hái, đến khi rét đậm cây chè không phát triển, người trồng chè tiến hành đốn tỉa, bón phân. Cây chè chính thức ngủ đông, tích lũy dinh dưỡng cho một chu kỳ mới. Sang xuân, trời hửng ấm, mưa phùn lất phất là thời điểm cho chè nảy lộc. Sở dĩ hương vị chè xuân được cho là ngon nhất trong năm bởi nó kết tinh “khí trời vị đất” trong thời kỳ ngủ đông. 

Theo ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên), chè xuân hái tay 1 tôm 2 lá, sao suốt bằng bếp củi truyền thống là ngon nhất. Đối với người làm chè để có ấm chè ngon đòi hỏi gia chủ phải có tâm huyết. Như chọn hái chè vào những ngày nắng ráo. Chè hái xong về phải sao luôn, không được để ôi. Khi sao chè, người phụ trách phải có kinh nghiệm “cảm nhận nhiệt”. Nhiệt độ lớn hay nhỏ cũng ảnh hưởng đến chất lượng của chè sao. Ngoài ra, người sao chè phải có khả năng “cảm nhận được mùi hương”. Chè sấy khô được hoàn thiện bằng công đoạn đánh mốc. Bởi vậy đánh mốc sao cho chè có vị thơm đặc trưng. Cuối cùng là công đoạn đóng gói trong túi ni lông để tránh ẩm, tạo nhãn mác bắt mắt với khách hàng.


 Giới thiệu chè Xuân Shan tuyết Nà Con, xã Sơn Phú, Na Hang.

Uống chè gây “nghiện”, nhất là chè ngon càng làm thực khách nhớ lâu. Khoa học đã chứng minh, uống chè tốt cho sức khỏe. Cây chè không biết có trên đất Tuyên Quang từ bao giờ, nhưng đến nay đa phần người dân uống chè như một nét văn hóa. Ai đến nhà chơi cũng phải pha chè, mời chè. Chè được người ta dùng làm quà biếu như một sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Với vùng chuyên canh sản xuất chè trung du, chè lai, chè đặc sản gần 9.000 ha và hàng nghìn ha chè Shan phân tán ở các huyện vùng cao, Tuyên Quang cũng được mệnh danh là “thủ phủ” chè miền Bắc.

Thương hiệu chè xứ Tuyên đang ngày càng được khẳng định. Chuyện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Thủ tướng nước bạn cân chè ngon xứ Tuyên đã minh chứng điều đó. Thời điểm này, chè xuân xứ Tuyên đang độ ngon, hương vị bay phảng phất như muốn níu chân du khách, trở thành sản phẩm du lịch nổi trội của vùng đất chiến khu cách mạng xưa...

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục