Thâm canh - Giải pháp tăng năng suất, chất lượng chè

Tuyên Quang hiện đang đứng thứ 5 về năng suất, sản lượng và diện tích chè nguyên liệu trong khu vực miền núi phía Bắc. Để có được kết quả này, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, người dân cải tạo diện tích chè già cỗi bằng giống chè năng suất, chất lượng cao; thực hiện thâm canh, tăng năng suất, chất lượng chè.

3 năm nay, vườn chè của ông Vũ Hải Bảy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) cho năng suất vượt trội từ 27 tấn/ha lên trên 35 tấn/ha/năm. Ông Bảy phấn khởi cho biết, năm 2017 gia đình mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới ẩm phun sương tự động, chè được cung cấp nước thường xuyên, cộng với việc tăng cường bổ sung phân hữu cơ nên cây chè sinh trưởng phát triển tốt, cho búp đều kể cả vào mùa khô. Theo ông Bảy, trước chè chỉ cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 9 trong năm còn bây giờ với việc thâm canh bằng phương pháp tưới ẩm chè cho thu từ tháng 3 đến tháng 10, thậm chí có năm tháng 11, giữa tháng 12 vẫn có búp để thu hái. Gia tăng thời gian thu hái chè, năng suất chè tăng, thu nhập của gia đình khá hơn. Năm 2019, gia đình thu gần 150 triệu tiền bán chè búp tươi.


Áp dụng quy trình sản xuất Rainforest, năng suất vườn chè của người dân thôn Quyết Thắng,
xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đạt 35 tấn/ha.

Áp dụng biện pháp thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, vườn chè của Hợp tác xã chè Tân Thái 168 và Hợp tác xã chè Luận Kỳ thuộc xã Tân Thành (Hàm Yên) đã giữ được năng suất trên 28 tấn/ha/năm, giá trị kinh tế tăng lên 30% so với sản xuất theo đại trà. Ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã chè Luận Kỳ cho rằng, thâm canh sản xuất theo hướng VietGAP giúp người làm chè như ông phải thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. 

Toàn tỉnh có trên 2.000 ha chè đang được thâm canh theo các quy trình an toàn, trong đó có trên 800 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforest (tiêu chuẩn sản xuất bền vững quốc tế), số còn lại được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, thâm canh thông qua việc áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đồng thời thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn năng suất, chất lượng chè của tỉnh đã có bước phát triển vượt trội, tính bình quân, năng suất chè toàn tỉnh đến hết năm 2019, đạt khoảng 9 tấn/ha, sản lượng búp tươi đạt trên 64.000 tấn/năm, tăng trên 1,2 tấn/ha so với năm 2014, trong đó diện tích chè thâm canh cao năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/ha/năm, nhiều diện tích đạt năng suất trên 35 tấn/ha/năm. Năng suất tăng, chất lượng chè của tỉnh ta được xếp vào chè có tiếng trong khu vực. Trong bảng xếp hạng của Hiệp hội chè Việt Nam, Tuyên Quang đứng trong nhóm 5 khu miền núi phía Bắc về năng suất, sản lượng, chất lượng chè. Hiện sản phẩm chè khô của tỉnh được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường lớn như Nga, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Pakistan, Đài Loan và một số nước châu Âu.

Bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất chè của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thâm canh chè theo tiêu chuẩn còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 30% tổng diện tích chè của toàn tỉnh, chất lượng chè chưa đồng đều giữa các vùng... Để đưa cây chè trở lại đúng vị trí là cây chủ lực, Nghị quyết số 16-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025 đã xác định, tỉnh thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch, chính sách để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển sản xuất, chế biến chè; liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè theo chuỗi giá trị. Tháng 2 vừa qua, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phát triển 246 ha chè an toàn trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư 105 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng công trình đầu mối, các bể chứa phân tán, hệ thống đường ống và các công trình phụ trợ tạo nguồn cấp nước tưới ổn định, phục vụ sản xuất… từ đó tạo thuận lợi cho người làm chè áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh, canh tác chè.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục