Nhà ông Nguyễn Văn Trường, thôn 5, xã Nhữ Khê đứng TOP đầu về năng suất chè trong vùng. Ông Trường bảo, gia đình có 6 ha chè, trước đây khi chưa liên kết với Công ty cổ phần Chè Sông Lô mỗi ha chè chỉ thu được chừng 30 tấn chè búp tươi/năm, với mức giá 3.500 đồng/kg. Sau khi liên kết, gia đình ông được công ty đầu tư và hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh, năng suất chè tăng lên trên 40 tấn/ha, giá bán đạt 5.800 đồng/kg.
Ông Trường cho rằng, năng suất chè tăng là nhờ toàn bộ quy trình chăm sóc được thay đổi, phân bón hóa học được thay bằng phân bón hữu cơ và phân vi sinh; thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học hoặc thuốc có trong danh mục sản xuất VietGAP. Không chỉ vậy, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm từ 12 lần phun/năm xuống còn khoảng 5 lần phun/năm.
Mô hình trồng chè liên kết của người dân thôn 5, xã Nhữ Khê với Công ty cổ phần Chè Sông Lô theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất vượt trội 40 tấn/ha.
Diện tích nhỏ nhưng với kỹ thuật thâm canh cao, vườn chè của chị Nguyễn Ngọc Thúy, đội 23, Quyết Thắng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) cũng cán mốc ở con số 34 tấn/ha. Chị Thúy khoe, gia đình chị có 3.800 m2 chè, mùa thu hoạch chè bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm, mỗi lần thu hoạch khoảng từ 1,5 - 1,6 tấn chè búp tươi. Với giá chè 5.500 - 6.000 đồng/kg, mỗi vụ chè chị có thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Năng suất cao, chè của gia đình chị Thúy còn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chè xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Có được kết quả đó, chị Nguyễn Ngọc Thúy đã tham gia liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, theo đó, công ty đầu tư phân bón, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, phun thuốc phòng, trừ dịch bệnh và thu hái, phần việc còn lại chị Thúy thực hiện chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình của công ty đưa ra.
Điều những người như chị Thúy và ông Trường yên tâm nhất là đầu ra của sản phẩm, liên kết sản xuất theo quy chuẩn an toàn nên sản phẩm chè búp tươi thu hoạch được đã được doanh nghiệp thu mua lại với giá cao nhất. Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm cho biết, hiện tại công ty đang thu mua chè trồng theo tiêu chuẩn từ 5.500 - 6.000 đồng/kg tùy vào từng loại, cao hơn giá chè đại trà trên thị trường từ 1,5 - 2.000 đồng/kg.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Sơn thống kê, khoảng 1.000 hộ dân trên địa bàn các xã Mỹ Bằng, Nhữ Kê, Nhữ Hán đang liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong việc trồng, chế biến chè. Sự bắt tay của doanh nghiệp với các hộ làm chè đã giúp huyện ổn định vùng nguyên liệu chè, nâng cao năng suất, sản lượng chè. Hiện tại, Yên Sơn là huyện có năng suất chè cao nhất tỉnh, đạt 9,3 tấn/ha, cao hơn bình quân chung của tỉnh 1,5 tấn/ha.
Theo đánh giá mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 8.861 ha chè, trong đó 8.432 ha cho thu hái, năng suất chè nguyên liệu có sự chênh lệch khá lớn. Các công ty cổ phần liên kết sản xuất có từ 7 đến 10% diện tích, đạt năng suất từ 20 đến 30 tấn/ha/năm. Trái lại, diện tích chè các hộ dân quản lý năng suất chỉ đạt 4 đến 7 tấn/ha/năm.
Theo ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa cây chè trở lại đúng vị trí là cây chủ lực thì liên kết sản xuất là giải pháp tối ưu. Bởi trong nền sản xuất hàng hóa, hộ sản xuất nhỏ lẻ không đủ năng lực để đầu tư sản xuất theo hướng thâm canh cao. Liên kết sản xuất, có sự bắt tay của doanh nghiệp sẽ khai thác được hết tiềm năng thế mạnh và đôi bên cùng có lợi, doanh nghiệp có vốn, có phương tiện, kỹ thuật đầu tư sản xuất quy mô lớn; người làm chè giảm được chi phí đầu tư, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại từ đó nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.