Phát huy lợi thế, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, huyện Yên Sơn đã quy hoạch, thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa trên các vùng: Vùng thượng huyện tập trung phát triển cây ăn quả như bưởi, chuối, hồng không hạt; vùng ATK phát triển sản phẩm gỗ rừng trồng; vùng hạ huyện phát triển cây chè...
Xã Trung Trực từ 1 xã nghèo nhất của huyện Yên Sơn đã được “đánh thức” tiềm năng, lợi thế nhờ công tác quy hoạch. Ông Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Trực phấn khởi cho biết, thực hiện quy hoạch của huyện về phát triển cây ăn quả, chủ lực là cây bưởi, kinh tế của xã đã có bước tiến lớn, vùng sản xuất được hình thành, gia tăng giá trị kinh tế từ một đơn vị diện tích. Theo ông Thắng, từ năm 2011 đến nay bà con mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng bưởi tập trung, sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm canh cao. Hiện tại toàn xã Trung Trực có khoảng trên 450 ha bưởi, tăng gấp 8 lần so với năm 2010, giá trị kinh tế từ trồng bưởi đạt khoảng trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) vùng quy hoạch phát triển chè nguyên liệu.
Thay vì trồng bưởi nhỏ lẻ, manh mún như trước đây, gia đình ông Vũ Thế Hoàng, thôn 2, xã Trung Trực đã mạnh dạn mở rộng quy mô vườn bưởi lên 3 ha. Theo ông Hoàng, mở rộng và sản xuất tập trung theo hướng chuyên canh cao thuận lợi hơn áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ vào sản xuất từ đó giảm chi phí đầu tư. Ông Hoàng cho biết, trong 3 ha bưởi, chỉ có hơn 1 ha đang trong kỳ thu hoạch nhưng mỗi năm đã đem lại cho gia đình trên 200 triệu đồng. Tạo ra lợi thế cạnh tranh đối với sản phẩm bưởi của gia đình, ông Hoàng đã chuyển hướng áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ để nâng cao hơn nữa chất lượng.
Cùng với Trung Trực, các xã Kiến Thiết, Lực Hành, Phúc Ninh, Chiêu Yên, Thắng Quân... đều nằm trong vùng quy hoạch trồng cây ăn quả theo hướng hàng hóa của huyện Yên Sơn cũng đã mang lại hiệu quả. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, vùng cây ăn quả của huyện đã đạt mục tiêu trên 4.000 ha, trong đó nhiều diện tích đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.
Cùng với cây ăn quả, phát triển trồng rừng sản xuất, chè nguyên liệu cũng đã được quy hoạch và thực hiện theo đúng quy hoạch. Ông Tạ Văn Tình, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các xã vùng ATK bao gồm Trung Minh, Hùng Lợi, Trung Sơn, Công Đa, Đạo Viện... quy hoạch trồng rừng sản xuất; khu vực các xã Mỹ Bằng, Nhữ Khê, Nhữ Hán được quy hoạch trồng chè nguyên liệu, tại đây các nhà máy chế biến đã được đầu tư bảo đảm sản xuất theo chuỗi. Ngoài quy hoạch vùng trồng các cây chủ lực, huyện Yên Sơn cũng thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, trong đó vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn; vùng chăn nuôi thủy sản và vùng nuôi ong lấy mật.
Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, sản xuất nông nghiệp của Yên Sơn đang đi rất đúng hướng, có quy hoạch bài bản, thực hiện đúng quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa và lượng sản phẩm lớn cho xã hội. Hiện tại, Yên Sơn đang đứng đầu tỉnh về sản lượng bưởi, gỗ rừng trồng và chè nguyên liệu và cũng là huyện có nhiều nhãn hiệu hàng hóa được công nhận nhất với 17 nhãn hiệu. Yên Sơn cũng là một trong 3 huyện đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất kinh tế nông nghiệp của tỉnh khoảng 1.500 - 1.600 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương cần quản lý quy hoạch, sản xuất theo nhu cầu thị trường, tránh tình trạng phá rào quy hoạch, phát triển ồ ạt dẫn đến mất cân bằng cán cân cung cầu; tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Bởi thực tế diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của huyện còn thấp, toàn huyện mới có trên 10.000 ha gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC, trong tổng số trên 65.000 ha rừng sản xuất; trên 500 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, trong tổng số gần 3.000 ha chè và 100 ha cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAp, hữu cơ trên tổng số 4.000 ha.
Phát triển sản xuất bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm, huyện Yên Sơn đã có những chính sách khuyến khích tích tụ đất đai, tổ chức, liên kết sản xuất theo tổ nhóm, HTX, trong đó đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ; tập huấn kỹ thuật, mở rộng sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ cho nông dân, theo tiêu chuẩn FSC; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm chủ lực; chú trọng xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm…